SHTP và nhiệm vụ tạo nền móng cho ngành công nghệ cao quốc gia
Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP) hiện đang thực hiện sứ mệnh trở thành nền móng vững chắc để phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao của Việt Nam. Sau hơn 20 năm hoạt động, SHTP đã đạt những thành tựu ấn tượng, góp phần thúc đẩy việc thực hiện mục tiêu xây dựng một nền kinh tế – khoa học vững mạnh trong thời kỳ chuyển đổi số của Việt Nam. Để phát triển xa hơn trong tương lai, SHTP cần có những cải cách về đường lối thu hút đầu tư, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp hay làm mới chính sách ưu đãi thuế khu công nghệ cao nhằm thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào đây hơn.
Là khu công nghệ cao mũi nhọn của quốc gia
Được thành lập từ năm 2002 theo Nghị quyết của Thủ tướng Chính phủ, đến Khu Công nghệ cao TPHCM đã phát triển, vận hành được hơn 20 năm. Đây là một quãng thời gian dài để SHTP phát triển và tạo dựng được một môi trường thuận lợi thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghệ cao. SHTP đã trở thành nơi đầu tư của nhiều tập đoàn công nghệ cao hàng đầu thế giới như Intel, Samsung, Nidec,… không những vậy, Khu Công nghệ cao TPHCM còn là nơi hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực phát triển, đổi mới để tăng sức cạnh tranh trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Có thể nói, SHTP đang được đánh giá là khu công nghệ cao thành công nhất trong các khu công nghệ cao quốc gia hiện tại.
Nhà máy của Intel Việt Nam tại Khu Công nghệ cao TPHCM
Hiện nay, Khu Công nghệ cao TPHCM đang có 7 phân khu chức năng theo quy hoạch tổng thể đã được phê duyệt bởi Thủ tướng. SHTP được kỳ vọng sẽ là nơi tập trung, liên kết các hoạt động nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ của TPHCM và là một trong ba trụ cột của Khu đô thị sáng tạo phía Đông – thành phố Thủ Đức. Khu công nghệ cao được đánh giá là sẽ đóng vai trò hạt nhân của Khu đô thị sáng tạo, với vai trò chính là thu hút vốn đầu tư, nhân lực, công nghệ từ trong và ngoài nước để thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra.
Đến tháng 8/2023, SHTP có khoảng 50 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn lên đến 10,087 tỷ USD cùng 110 dự án trong nước với số vốn đạt 2,097 tỷ USD. Lũy kế tổng giá trị sản xuất mà khu công nghệ cao này đã đạt được là khoảng hơn 120 tỷ USD, giá trị xuất khẩu đạt hơn 112 tỷ USD và nhập khẩu đạt hơn 105 tỷ USD. Lũy kế ngân sách ước tính đã đạt 1,7 tỷ USD và sẽ ngày càng tăng nhanh hơn khi mà các dự án đầu tư dần hết thời gian hưởng ưu đãi thuế khu công nghệ cao. SHTP cũng góp phần xây dựng các hệ sinh thái ngành mạnh trong các lĩnh vực như điện tử – công nghệ thông tin; công nghệ sinh học; cơ khí; tự động hóa và công nghệ vật liệu mới.
Xem thêm: Khai thác tiềm năng phát triển tại các khu công nghệ cao
SHTP đã góp phần xây dựng nhiều hệ sinh thái ngành công nghệ cao mạnh mẽ
Về hoạt động nghiên cứu, đến nay tại SHTP đã có 35/60 dự án có hoạt động R&D, trong đó có 11 dự án có hoạt động chuyển giao công nghệ. Các doanh nghiệp có hoạt động R&D nổi bật tại SHTP có thể kể đến như Intel, Samsung, Nanogen, Datalogic, FPT,… hoạt động R&D không chỉ giúp những doanh nghiệp này phát triển mà còn thực hiện các dịch vụ nghiên cứu cho doanh nghiệp khác cả trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam. Đây là tiền đề cho việc xây dựng nên một nền công nghệ độc lập, phát triển để sản xuất những sản phẩm công nghệ cao đạt tiêu chuẩn và cạnh tranh được trên thị trường thế giới.
Hành trình vươn tầm quốc tế
Trong hơn 2 thập kỷ phát triển của mình, SHTP đã được nhiều nhà đầu tư lựa chọn và đem lại nhiều kết quả tích cực. Sự hiện diện của những dự án công nghệ cao, nhất là từ những tập đoàn quốc tế từ Mỹ (Intel, Jabil), Nhật Bản (Nidec, Nipro, NTT), Hàn Quốc (Samsung)… đã tạo điều kiện, môi trường phát triển đầu tư của TPHCM và vùng kinh tế phía Nam nói chung. Những tập đoàn như Intel hay Nidec đã đồng hành cùng SHTP từ những ngày đầu tiên thành lập, đến nay, các tập đoàn này vẫn đóng góp một tỷ lệ rất lớn doanh thu xuất khẩu hàng năm trong lĩnh vực công nghệ cao của TPHCM cũng như cả nước.
Mới đây tập đoàn BESI từ Hà Lan cũng đã rót vốn đầu tư, lắp đặt nhà xưởng tại SHTP
Thông qua các hoạt động của các “ông lớn” công nghệ tại SHTP đã tạo ra một nguồn lực nội sinh về công nghệ cao. Nguồn lực này chính là nhân công, nhân lực chất lượng cao cũng như các kiến thức và kinh nghiệm hoạt động nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm chất lượng cao. Từ đó tạo tiền đề cho sự chuyển giao, ứng dụng công nghệ để tạo nên những sản phẩm “made in Vietnam” tại SHTP, cũng như góp phần đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế của TPHCM và cả nước.
Trong tương lai, SHTP vẫn sẽ tiếp tục mở rộng và thu hút đầu tư, phát triển các ngành công nghệ cao mang tính định hướng như công nghiệp điện tử, vi mạch bán dẫn hay công nghệ sinh học. Để làm được điều này, Việt Nam cần tăng cường quảng bá, xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước nhằm kêu gọi đầu tư vào SHTP. Bên cạnh đó là tiếp tục phát huy, khuyến khích đầu tư bằng các chính sách hấp dẫn như cải thiện ưu đãi thuế khu công nghệ cao. Mục tiêu đến năm 2030, SHTP sẽ trở thành một Khu Công viên khoa học (Science Park) chuẩn mực quốc tế. Đến năm 2045, SHTP sẽ trở thành Khu đô thị khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo là hạt nhân và động lực tăng trưởng của Đông Nam bộ và cả nước.
Tìm hiểu thêm: Khu Công nghệ cao TPHCM đặt mục tiêu thu hút các công ty vi mạch bán dẫn
Mục tiêu đến năm 2045, SHTP sẽ trở thành hạt nhân khoa học – công nghệ của Đông Nam Bộ và cả nước
Để thực hiện được mục tiêu trên, cần có nhiều hơn những cơ chế, chính sách đặc thù phát triển SHTP. Bản thân SHTP cũng đã cam kết triển khai các giải pháp đồng hành cùng các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong việc gia tăng giá trị doanh nghiệp. Trong đó, vấn đề cần thay đổi cải thiện là các thủ tục hành chính, cần triển khai nhanh, mạnh cơ chế một cửa liên thông để cải thiện quy trình cấp pháp đầu tư.
Ưu đãi thuế Khu Công nghệ cao TPHCM có gì?
Tại các khu công nghệ cao sẽ có những chính sách ưu đãi riêng dành cho các đối tượng nhất định. Trong đó, ưu đãi thuế khu công nghệ cao là ưu đãi nổi bật nhất, là ưu đãi khiến nhiều doanh nghiệp quan tâm nhất khi đầu tư, hoạt động tại các khu công nghệ cao nói chung và SHTP nói riêng. Ưu đãi thuế khu công nghệ cao có thể chia làm các mục lớn là ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp; ưu đãi thuế xuất nhập khẩu; ưu đãi thuế giá trị gia tăng.
Đối với ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, các doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn sẽ được hưởng mức thuế suất 10% trong thời hạn 15 năm, với 4 năm đầu miễn thuế, 9 năm tiếp theo giảm 50% số thuế phải nộp. Đối với các dự án có quy mô lớn, đặc biệt quan trọng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có thể kéo dài tổng thời gian ưu đãi lên đến 30 năm ở mức 10%. Ngoài ra, các dự án trong các lĩnh vực đặc biệt như giáo dục – đào tạo, dạy nghề và môi trường cũng hưởng thuế suất 10% trong suốt thời gian hoạt động của dự án.
Ưu đãi thuế 10% trong 15 năm đầu doanh nghiệp hoạt động tại Khu Công nghệ cao TPHCM
Đối với ưu đãi thuế nhập khẩu, doanh nghiệp được hưởng ưu đãi dựa trên danh mục sản phẩm được liệt kê theo quy định, cụ thể là các hàng hóa được nhập khẩu để tạo ra tài sản cố định của dự án. Ví dụ như thiết bị máy móc; phương tiện vận chuyển chuyên dụng; linh kiện, chi tiết, phụ tùng đồng bộ với thiết bị, máy móc, phương tiện vận tải chuyên dụng; nguyên vật liệu để chế tạo linh kiện, máy móc, thiết bị…
Doanh nghiệp được miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng cho các loại hàng hóa được nhập khẩu để sử dụng trực tiếp vào hoạt động nghiên cứu, sản xuất, phát triển công nghệ. Ngoài ra doanh nghiệp cũng được miễn thuế xuất khẩu và thuế giá trị gia tăng với các sản phẩm công nghệ cao.
Doanh nghiệp được miễn thuế nhập khẩu cho hàng hóa sử dụng trực tiếp vào hoạt động sản xuất sản phẩm công nghệ cao
Kết
Khu Công nghệ cao TPHCM đã và đang là khu công nghệ cao dẫn đầu cả nước về quy mô và hiệu quả hoạt động. Trong tương lai, SHTP được kỳ vọng sẽ trở thành đầu tàu khoa học công nghệ của cả nước, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao. Để làm được điều đó, Chính phủ và TPHCM cần có những chính sách đặc thù nhằm khuyến khích, tạo điều kiện để SHTP thu hút vốn đầu tư như quảng bá, xúc tiến hợp tác hay cải thiện các chính sách ưu đãi thuế khu công nghệ cao hiện tại.
Xem thêm: Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp – Động lực thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng vượt bậc[:]